Chia sẻ dữ liệu cho hãng di động, Facebook bị tố ‘đem con bỏ chợ’

 

14/11/2018

Facebook không thể kiểm soát hành vi sử dụng thông tin cá nhân đã chia sẻ với các đối tác như Microsoft, Blackberry.

Theo New York Times, Facebook cho phép nhiều đối tác công nghệ quyền truy cập vào tài khoản cá nhân của hàng trăm người dùng. Nhưng, mạng xã hội lớn nhất hành tinh lại không đủ khả năng kiểm soát luồng thông tin trên.

Từ năm 2013, bằng hệ thống quản lý chính sách, Facebook đã phát hiện sự thiếu sót trong việc quản lý thông tin khách hàng khi chia sẻ với các nền tảng khác. Tuy nhiên, Facebook cố tình giấu nhẹm sự việc. Thượng nghị sĩ Ron Wyden bang Oregon, luật sư và cố vấn pháp luật cho Facebook tiết lộ nội dung bức thư có đề cập đến vấn đề trên.

Facebook không hề kiểm soát luồng thông tin người dùng chia sẻ cho các nền tảng khác. Ảnh: B.I.

Theo Thượng nghị sĩ Ron Wyden, Facebook đã ban hành điều khoản “trải nghiệm Facebook” cho phép chia sẻ thông tin người dùng với khoảng 7 công ty công nghệ khác nhau. Điều khoản này cho phép các đối tác của Facebook quyền truy cập vào tài khoản cá nhân của từng người dùng từ điện thoại của họ. Tuy nhiên, một vài trong số các đối tác của Facebook đã dừng cộng tác từ năm 2010.

PricewaterhouseCoopers, một tổ chức pháp lý tại châu Âu tiến hành điều tra các đối tác của Facebook điển hình là Microsoft, Research in Motion, BlackBerry và Amazon. Kết quả cho thấy Facebook hầu như không can thiệp hay giám sát cách đối tác của họ sử dụng thông tin người dùng. Điều này đi ngược lại chính sách quản lý thông tin khách hàng mà chính Facebook đã đặt ra.

“Facebook nói rằng việc chia sẻ thông tin người dùng cho các đối tác chế tạo smartphone sẽ không dừng lại ở đó. Nhưng, hãng này lại không hề giám sát và đảm bảo các hãng công nghệ kia sẽ thực hiện đúng chính sách đã đặt ra. Những lời biện hộ từ Facebook và đối tác là không hề đáng tin”, Wyden nói với New York Times.

Phát ngôn viên của Facebook cho rằng hãng đã và đang thực hiện đúng chính sách bảo mật an ninh mạng FTC.

“Facebook luôn đảm bảo thông tin người dùng trong vòng an toàn. Facebook đã siết chặt hơn chính sách chia sẻ thông tin với các nền tảng khác”, phát ngôn viên Facebook nói.

Mặt khác, đại diện tổ chức PricewaterhouseCoopers cho rằng Facebook chưa hề có động thái rõ ràng giải quyết vấn đề. Cụ thể, trên một nền tảng đang vận hành, sự thay đổi về chính sách sẽ được lưu giữ để kiểm tra và so sánh. Nhưng, Facebook không hề có những hành động này.

“Cách thức quản lý của một nền tảng sẽ có sự khác nhau trong từng thời điểm, sự thay đổi là cần thiết trong lúc nền tảng phát triển càng lớn”, đại diện PricewaterhouseCoopers nói.

Theo New York Time, sau khi tiết lộ bằng chứng cho thấy Facebook không thể kiểm soát luồng thông tin người dùng và FTC (Ủy ban Thương mại Liên minh Hoa Kỳ) không hề vào cuộc, Hiệp hội thông tin cá nhân tại Washington khởi kiện Wyde và những người liên quan.

Tổ chức này cho rằng FTC có cách làm việc riêng và không ai có quyền đánh giá chính sách kiểm soát thông tin cá nhân của FTC. Marc Rotenberg, Chủ tịch hiệp hội người dùng tại Mỹ cho rằng FTC đã không thể hoàn thành nhiệm vụ từ vụ việc Cambridge Analytica.

Facebook không bảo vệ thông tin người dùng. Ảnh: B.I

“Người dùng tại Mỹ phải hứng chịu hậu quả nghiệm trọng từ sự tắc trách của Facebook và FTC”, Marc nói.

Hiện tại, Facebook từ chối đưa ra bất kì lời bình luận nào về vụ việc. Bên cạnh đó, đại diện của BlackBerry cho rằng Facebook không hề để tâm trong việc kiểm soát thông tin khách hàng được chia sẻ. Nhưng, BlackBerry chắc chắn rằng chính sách của họ luôn đảm bảo an toàn thông tin người dùng.

 

Theo Zing.vn