Bầu Đệ: Người tài vào Nhà nước ít, người “lọ mọ” kiếm lợi từ chính sách thì nhiều

 “Tôi nghĩ nhiều dịch vụ công nên để cho các hội, hiệp hội làm. Cán bộ làm khó tốt được. Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp trước đây tôi từng nói: Có những vấn đề hư hỏng gì thì là từ khâu tổ chức cán bộ. Người tài vào nhà nước giờ ít, còn lại thì là người lọ mọ kiếm lợi từ chính sách thì nhiều”, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ (bầu Đệ – PV) bày tỏ bức xúc.

bau de: nguoi tai vao nha nuoc it, nguoi “lo mo” kiem loi tu chinh sach thi nhieu hinh anh 1

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam. (Ảnh: Tiến Tuấn)

Ngày 15.5, Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công”. Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Đệ, nhân vật thường được người hâm mộ bóng đá Việt Nam gọi với cái tên bầu Đệ, đã chia sẻ một số câu chuyện về những khó khăn ông gặp phải trong quá trình kinh doanh.

“Năm 2005, tôi xin chủ chương làm y tế, xây bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của các cán bộ, công chức. Nhiều quan chức bảo: Ông này vớ vẩn, có bằng cấp đâu mà làm. Thế rồi chúng tôi cũng cứ cố gắng, làm mọi thủ tục, xin chủ trương, xin cấp đất. Đến khi bệnh viện Hợp lực ra đời thì bị ngành y tế bao vây, chặn chuyển tuyến, bác sĩ về bệnh viện bị nói xấu. Nhưng tôi vẫn cố gắng, vừa kiến nghị với tỉnh, lại kiến nghị lên Trung ương nên đã có nhiều thay đổi trong việc xã hội hoá ngành y tế. Hiện nay ai lập bệnh viện tư nhân cũng dễ hơn”, ông Nguyễn Văn Đệ nhớ lại.

Đối với vấn đề dịch vụ y tế, ông Đệ lại kể một câu chuyện khác: “Chị Tiến (Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế – PV) vừa rồi vào thăm bệnh viện Hợp Lực ở Nghi Sơn, Thanh Hóa, chị ấy hỏi tôi: Anh báo cáo xây bệnh viện hết 700 tỷ. Thực tế anh làm hết bao nhiêu? Chị ấy hỏi thật thì tôi cũng phải báo cáo là chưa tới 700 tỷ. Nhưng nếu nhà nước làm chắc chắn phải 700 tỷ”.

Từ đây, ông Nguyễn Văn Đệ đặt ra vấn đề với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng phải việc xem xét lại định mức đầu tư.

“Một cái máy tôi mua 20 tỷ đồng. Vậy mà giá đề nghị của Nhà nước cao hơn nhiều, lên tới gần 40 tỷ đồng. Vậy chúng ta nộp thuế lên để làm gì? Nộp thuế vào ngân sách để rồi cán bộ, công chức cứ đưa số tiền thuế đó vào các dự án đầu tư công nhằm hưởng lợi.

Trong kinh doanh hiện nay có hai thái cực, một bên kiếm lời cấp tốc, một bên hưởng lời lai rai. Ai hưởng cái lai rai? Chắc chắn là tư nhân, còn Nhà nước là lời cấp tốc. Bởi vì tư duy nhiệm kỳ, tôi chỉ có 5 năm thôi, làm nhanh để quyết toán. Tư nhân thì 3-5 năm đầu là bù lỗ, từ năm thứ 6 trở đi mới bắt đầu chắt chiu để có lãi, nhưng rồi lại phải nuôi cán bộ”, ông Đệ bày tỏ ý kiến.

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, cần phải mạnh dạn xã hội hóa, tin tưởng DN để ra được chính sách tốt.

“Ngay như Luật Khám chữa bệnh đang chuẩn bị ban hành, Chính phủ cấm ra giấy phép con, nhưng trong đó cũng lồng nhiều lắm.Nào là kinh nghiệm 5 năm, nào là chế độ quản lý, rồi quá trình thẩm định. Mà luật ghi là 15 ngày, nhưng không phải đâu, cứ phải 3 tháng hoặc 6 tháng. Doanh nghiệp thì suốt ngày khóc lóc nhưng không biết tiếng khóc có lên được Thủ tướng không?”, ông Nguyễn Văn Đệ đặt câu hỏi.

Theo ông Đệ, nhiều dịch vụ công nên để cho các hội, hiệp hội làm. Cán bộ làm khó tốt được. Dẫn lại ý kiến từng được chia sẻ tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp trước đây, ông nói: “Có những vấn đề hư hỏng gì thì là từ khâu tổ chức cán bộ. Người tài vào nhà nước giờ ít, còn lại thì là người lọ mọ kiếm lợi từ chính sách thì nhiều”.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần yêu cầu bỏ bớt điều kiện kinh doanh, nhưng nhiều Bộ, ngành lại gom 3 hoặc 4 điều kiện kinh doanh làm một.

“Anh nào mềm rồi cũng xong, nhưng anh nào cứng thì lại gặp phải kiểu đi hỏi Bộ. Doanh nghiệp có hỏi thì Bộ bảo: Cứ đúng pháp luật mà làm. Giờ người ta đá bóng hay lắm, còn DN chả biết hỏi ai. Thủ tướng thì bận, suốt ngày nhắn tin thì Thủ tướng cũng khổ.

Có những cái giờ muốn đầu tư thì vướng quy định rất vớ vẩn. Ví dụ mấy chục hecta là phải ra bộ xin ý kiến. Doanh nghiệp muốn đầu tư lớn, làm to cũng khó. Vậy nên DN cứ làm nho nhỏ để tỉnh thẩm định cho nhanh. Nhưng cũng cần đổi mới thì mọi việc sẽ rất nhanh chóng, tiện lợi”, ông Đệ nói.

Từ những câu chuyện, trải nghiệm trong quá khứ, ông Nguyễn Văn Đệ đề xuất: “Giờ phải nói thẳng nói thật với nhau mới phát triển được, chứ cứ nịnh nhau thì không được đâu. Chính phủ vẫn nói cái gì doanh nghiệp làm được thì Nhà nước thôi. Tuy vậy, các dịch vụ công hiện nay đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa nhà nước và tư nhân. Trong cuộc cạnh tranh này, tư nhân không cân sức với nhà nước”.

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, một bên doanh nghiệp lấy vốn, trí tuệ, công sức, huy động anh em, họ hàng còn một bên doanh nghiệp lấy ngân sách để làm. Vậy nên, doanh nghiệp tư nhân lúc nào cũng khổ, muốn vượt lên thì phải chấp nhận nhiều yếu tố tiêu cực, luồn lách. Và điều này trở thành một nguy cơ đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.bau de: nguoi tai vao nha nuoc it, nguoi “lo mo” kiem loi tu chinh sach thi nhieu hinh anh 2

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. (Ảnh: Chân Luận)

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI bày tỏ quan điểm: “Việc khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào các dịch vụ công góp phần phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh và người dân sẽ được hưởng lợi”.

Lợi ich quan trọng nhất được ông Vũ Tiến Lộc chỉ ra là “thoái sức” Nhà nước ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công không cần thiết, thu gọn bộ máy quản lý Nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi.

“Bộ máy Nhà nước chỉ tập trung vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Bởi, thể chế là yếu tố quyết định cạnh tranh quốc gia. Đây là việc cơ quan nhà nước cần tập trung ưu tiên hàng đầu hiện nay”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Theo Dân Việt