Công ty Cổ phần Logistic SC “hào phóng” cho Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH vay tín chấp 53 tỷ đồng nhưng lại “chây ì” không chịu thanh toán cho đối tác dù đã có quyết định thi hành án của Cục trưởng Cục Thi hành Dân sự TP. Hà Nội. Trước đó, Công ty Cổ phần Logistic SC từng vay tín chấp 900 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank).
Logistic SC “chây ì” trả nợ cho Hưng Phát Thịnh
Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ vận tải Hưng Phát Thịnh (Hưng Phát Thịnh) có quan hệ kinh tế với Công ty cổ phần Sữa TH (THM). Ngày 21/5/2014, Hưng Phát Thịnh ký hợp đồng dịch vụ vận tải với THM (công ty phụ trách sản xuất của Tập đoàn TH) cung cấp dịch vụ giao nhận và vận chuyển hàng hóa. Gần một năm sau đó, ngày 26/3/2015, THM, Hưng Phát Thịnh và Logistic SC ký thỏa thuận chuyển nhượng hợp đồng trên từ THM sang Logistic SC.
Sau đó, Hưng Phát Thịnh và Logistic SC đã ký 2 hợp đồng LSC_VT/010_2015 và LSC_VT/026_2016. Đến ngày 4/10/2017, Logistic SC thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với Hưng Phát Thịnh từ ngày 12/10/2017. Dựa theo điều lệ ký kết giữa 2 bên, Logistic SC đã vi phạm hợp đồng vì đơn phương chấm dứt hợp đồng và chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Hai bên đã tiến hành thương lượng nhiều lần giải quyết công nợ nhưng không thành nên Hưng Phát Thịnh khởi kiện Logistic SC lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tranh chấp 44/17 vào ngày 28/12/2017.
Đến ngày 15/6/2018, VIAC ra phán quyết vụ tranh chấp 44/17. Theo đó, Logistic SC phải thanh toán cho Hưng Phát Thịnh 7.313.618.400 đồng trong vòng 30 ngày kể từ 15/6. Trường hợp chậm thanh toán, Hưng Phát Thịnh có quyền yêu cầu Logistic SC trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất 10%/năm.
Logistic SC không chấp hành phán quyết của VIAC nên yêu cầu TAND TP. Hà Nội hủy phán quyết tranh chấp 44/17. Tuy nhiên, ngày 5/10/2018, tòa ra quyết định không chấp nhận yêu cầu vô lý của Logistic SC.
Ngày 24/10/2018, Cục Thi Hành án dân sự TP. Hà Nội quyết định cho thi hành án đối với Logistic SC. Công ty này phải thanh toán 7.313.618.400 đồng cho Hưng Phát Thịnh.
Đến ngày 28/11/2018, tại buổi giải quyết thi hành án giữa Logistic SC và Hưng Phát Thịnh, đại diện Logistic SC là kế toán trưởng Văn Thị Đào Lý cho biết, Logistic SC đang hoạt động bình thường với số lượng nhân viên khoảng 300 người. Hiện nay, công ty Logistic SC đang nợ Ngân hàng Bắc Á số tiền tương đối lớn khoảng 900 tỷ đồng, thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai và tài sản là nhà kho tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An có diện tích khoảng 10.000 m2.
Bà Văn Thị Đào Lý còn cho biết Logistic SC đã có văn bản cho Hưng Phát Thịnh xin được giảm 50% số tiền phải thi hành án nhưng đại diện Hưng Phát Thịnh không chấp thuận yêu cầu này. Từ đó đến nay, Logistic SC vẫn “chây ì” chưa chịu thanh toán 7.313.618.400 đồng cho Hưng Phát Thịnh. Phải chăng Logistic SC thật sự khó khăn đến độ không có tiền thanh toán hơn 7,3 tỷ đồng và tiền lãi phạt cho Hưng Phát Thịnh?
Logistic SC là chủ nợ của Thực phẩm Sữa TH
Hiện nay, Tập đoàn TH có rất nhiều công ty thành viên như: Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH (TH Milk Food, phụ trách trang trại), Công ty Cổ phần Sữa TH (THM, phụ trách sản xuất), Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm TH (THFC, phụ trách phân phối), Công ty Cổ phần Ứng dụng Công nghệ cao Nông nghiệp và Thực phẩm sữa TH…
Đối với Tập đoàn TH, Logistic SC không phải là cái tên xa lạ khi trụ sở của công ty này và Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm TH đều ở địa chỉ 166 Nguyễn Thái Học, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Logistic SC được thành lập từ ngày 26/3/2015 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng.
Tài sản của Logistic SC là nhà kho tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An có diện tích khoảng 10.000 m2. Tài sản này chỉ có khoảng 100 tỷ đồng. Như vậy hàng trăm tỷ đồng vốn vay trong tổng số 900 tỷ đồng vốn vay còn lại, Ngân hàng Bắc Á “ưu ái” cho Logistic SC vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo.
Sau khi vay hàng trăm tỷ đồng tại Ngân hàng Bắc Á, Logistic SC mang tiền cho các công ty thành viên Tập đoàn TH vay lại với lãi suất rẻ mạt và không được đảm bảo. Theo báo cáo tài chính riêng năm 2016 của TH Milk Food, Logistic SC cho đơn vị này vay 53 tỷ đồng, lãi suất 8%/năm kéo dài đến năm 2018.
Sau nhiều năm hoạt động, TH Milk Food đã bắt đầu báo lãi từ năm 2014 (27 tỷ đồng), năm 2015 (58 tỷ đồng), năm 2016 (130 tỷ đồng) nhưng lỗ lũy kế vẫn còn hàng ngàn tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh sữa lại lỗ nặng như 2015 lỗ 421 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 183 tỷ đồng.
“Cứu cánh” cho TH Milk Food là hoạt động trả cổ tức của công ty con Công ty Anglo Vietnam Sugar Investmnet Limited (AVSI) lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Năm 2015, AVSI trả cổ tức 372 tỷ đồng, năm 2016 là 210 tỷ đồng. AVSI có trụ sở tại “thiên đường trốn thuế” British Virgin Islands và từng có tên trong hồ sơ Panama. Hoạt động chính của AVSI là nắm giữ các khoản đầu tư. Hoạt động đầu tư của AVSI là gì vẫn là điều “bí ẩn” tại thiên đường thuế British Virgin Islands.
Tính đến 31/12/2016, TH Milk Food có vốn điều lệ 3.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.415 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 2.385 tỷ đồng. Nợ phải trả lên 7.621 tỷ đồng, trong đó, vay ngắn hạn 1.150 tỷ đồng, vay dài hạn 4.326 tỷ đồng nên áp lực trả lãi vay là con số khủng 564 tỷ đồng.
Cũng theo hình thức vay không được đảm bảo, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH vay 316 tỷ đồng của Ngân hàng Bắc Á với lãi suất lên tới 12,5-15%/năm. Phải chăng các công ty thành viên của Tập đoàn TH không thể tiếp tục vay tiền ở ngân hàng được nữa nên thông qua “chân rết” như Logistic SC vay tiền ngân hàng rồi cho các công ty thuộc Tập đoàn TH vay lại?
Khoản cho vay không được đảm bảo của Logistic SC liệu có thu hồi được không khi trong báo cáo tài chính, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH thuyết minh: Khả năng trả nợ của công ty tùy thuộc vào khả năng có thể huy động thêm các khoản vay để tài trợ cho hoạt động của công ty nhằm giúp công ty có thể thanh toán các khoản phải trả khi đến hạn.
Chỉ hơn 7,3 tỷ đồng nhưng Logistic SC lại “chây ì” thanh toán cho Hưng Phát Thịnh mặc dù có quyết định thi hành án của Cục thi hành án dân sự TP. Hà Nội. Vậy với khoản vay tín chấp hàng trăm tỷ đồng lấy gì đảm bảo Logistic SC sẽ trả nợ đúng hạn cho Ngân hàng Bắc Á? Nếu không trả đúng hạn, thậm chí Logistic SC không có khả năng trả nợ thì ai gánh thiệt hại này?
Do đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xem hoạt động vay vốn của Logistic SC tại Ngân hàng Bắc Á có đúng quy định pháp luật hay không nhằm đảm bảo tài sản của cổ đông Ngân hàng Bắc Á đang đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán UPCoM.
Theo NTD