Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị thu hồi trên 2,7 tỷ đồng và trên 3.600m2 đất; trả cho công dân trên 3.2 tỷ đồng và trên 2.000 m2 đất. Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm 51 tập thể và 55 cá nhân để xảy ra sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.
UBND TP.Hà Nội vừa có báo cáo gửi HĐND TP tình hình công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo (KNTC) trên địa bàn TP.
Theo tờ trình, năm 2018, mặc dù các cấp, ngành tập trung chỉ đạo công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC có những chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết các vụ việc KNTC đã được nâng cao, tuy nhiên tình hình KNTC vẫn tiền ẩn phức tạp, chủ yếu phát sinh trong quá trình triển khai GPMB tại một số dự án phát triển giao thông, đô thị, công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp tại một số huyện,…
Vẫn còn tình trạng KNTC đông người, ảnh hưởng đến trật tự tại trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước của Trung ương và TP; công dân gửi đơn đến nhiều nơi, vượt cấp, có nhiều đơn trùng, đơn khuyết danh, mạo danh, một số vụ việc đã được các cấp, ngành giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục KNTC.
Dự kiến, từ ngày 3.12 đến ngày 7.12.2018, HĐND TP.Hà Nội tổ chức kỳ họp thứ 7 HĐND TP.
Về công tác tiếp dân, xử lý đơn khiếu nại, thời gian qua, các cơ quan hành chính của TP đã tiếp 29.593 lượt công dân đến KNTC; thủ trưởng đơn vị, lãnh đạo các cơ quan hành chính của TP đã tiếp 16.020 lượt công dân, trong đó, lãnh đạo UBND TP tiếp 438 lượt công dân.
Ngoài ra, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND TP tổ chức tiếp, đối thoại với công dân , định kỳ nghe báo cáo và kịp thời chỉ đạo giải quyết đối với các vụ việc KNTC, nhất là các vụ việc tồn đọng, phức tạp hoặc đông người.
Một số vụ việc điển hình như vụ 496 công dân ký hợp đồng mua bán nhà ở xã hội với Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long thuộc dự án tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long tại thôn Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức); việc bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện Dự án xây dựng nhà máy sản xuất Bia tại xã Vân Tảo, huyện Thường Tín; việc các công dân đường Đê La Thành (dãy số lẻ) phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa liên quan việc thực hiện Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục.
Về KNTC đông người, các cơ quan hành chính đã tiếp 323 lượt đoàn đông người đến KNTC (10 người trở lên/đoàn), nội dung KNTC chủ yếu liên quan đến thu hồi đất, GPMB, giao đất dịch vụ khi triển khai các dự án trên đại bàn TP, công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp,…
Trong đó, đoàn hơn 70 người gồm các hộ kinh doanh tại chợ Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho các hộ kinh doanh và khắc phục sự cố sau cháy chợ Sóc Sơn; đoàn các công dân đại diện cho 200 hộ kinh doanh tại chợ Cầu (huyện Ứng Hòa); đoàn các công dân quận Hoàng Mai (hơn 40 người) đề nghị liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật các ô đất để đấu giá quyền sử dụng đất trong KĐT Nam hồ Linh Đàm.
Theo kết quả giải quyết KNTC, năm 2018, toàn TP đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 4.899 vụ KNTC; đã giải quyết 4.168 vụ. Đáng chú ý, các quận, huyện, thị xã là đơn vị tiếp nhận nhiều nhất với 3.928 vụ, trong đó giải quyết 3.373 vụ; Chủ tịch UBND TP giao Thanh tra TP xem xét, kết luận 422 vụ, đến nay đã báo cáo kết quả xác minh đối với 327 vụ.
Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị thu hồi trên 2,7 tỷ đồng và trên 3.600m2 đất; trả cho công dân trên 3.2 tỷ đồng và trên 2.000 m2 đất. Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm 51 tập thể và 55 cá nhân để xảy ra sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.
Đầu tháng 12.2017, các đại biểu dự Kỳ họp thứ 5 – HĐND TP.Hà Nội đã bấm nút thông qua Nghị quyết Danh mục các dự án thu hồi đất; danh mục dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2018.
Cụ thể, Nghị quyết thông qua danh mục là 1.413 công trình, dự án thu hồi đất năm 2018, với diện tích 4.652,59 ha. Danh mục 407 công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2018, với diện tích diện tích hơn 644 ha. Theo UBND TP.Hà Nội, năm 2017, số dự án thu hồi đất ước đạt 67% kế hoạch, số dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ước đạt 60% kế hoạch. Theo Ban Kinh tế – Ngân sách, kế hoạch thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2018 được xây dựng cao hơn kế hoạch năm 2017 cả về số công trình, dự án và diện tích. Để hoàn thành kế hoạch thu hồi đất, chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trong năm 2018 theo Nghị quyết HĐND thông qua, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP kiến nghị UBND TP tiếp tục cải cách hành chính và công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong người dân khi tổ chức thực hiện. Đối với những dự án sử dụng đất chậm triển khai do nguyên nhân chủ quan, phải xem xét xử lý thu hổi đúng quy định.
Theo Danviet.vn |