Kiểm tra sổ đỏ thật hay giả ở đâu?

 Kiểm tra sổ đỏ thật giả trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất rất quan trọng vì nhà đất phải có sổ đỏ mới được chuyển nhượng (trừ một số trường hợp). Vậy, để kiểm tra sổ đỏ thật hay giả ở đâu?

 

Kiểm tra sổ đỏ thật hay giả ở đâu? - 1

Căn cứ thông tư 23/2014/TT-BTNMT, người mua có thể kiểm tra thông qua các thông tin trên giấy chứng nhận, đặc biệt là mã vạch được in tại cuối trang 4 của giấy chứng nhận.

Mã vạch được dùng để quản lý, tra cứu thông tin về giấy chứng nhận và hồ sơ cấp giấy chứng nhận.

Theo khoản 2 Điều 15 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, mã vạch có cấu trúc dưới dạng MV = MX.MN.ST, trong đó:

MX là mã đơn vị hành chính cấp xã nơi có thửa đất. Để kiểm tra hãy đối chiếu mã đơn vị hành chính của xã, phường, thị trấn nơi có đất với mã trên giấy chứng nhận.

Trường hợp UBND cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận cho tổ chức thì ghi thêm mã của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào trước mã của xã, phường, thị trấn nơi có đất.

MN là mã của năm cấp giấy chứng nhận, gồm hai chữ số sau cùng của năm ký cấp giấy chứng nhận. Ví dụ 19 nghĩa là giấy chứng nhận được cấp năm 2019.

ST là số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai tương ứng với giấy chứng nhận được cấp lần đầu theo quy định về hồ sơ địa chính của bộ Tài nguyên và Môi trường.

Lưu ý, cách kiểm tra này dễ thực hiện nhưng tỷ lệ chính xác không cao, người mua nên kiểm tra thông tin tại Văn phòng đăng ký đất đai.

Để chính xác nhất, người dân có thể đến cơ quan cấp giấy chứng nhận đã được ghi trong sổ đỏ để xác minh thông tin về sổ đỏ của cá nhân là thật hay là giả.

Cụ thể, đối với địa phương đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai thì sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…

Đối với địa phương chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai:

+ Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

+ UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Dựa theo thông tin nơi cấp được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có thể tìm đến và làm thủ tục xác minh sổ đỏ.

Cá nhân có nhu cầu xác minh nộp phiếu yêu cầu (Mẫu số 01/PYC kèm theo Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT) tại cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ghi trong sổ đỏ.

Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính cho người có yêu cầu. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.

Sau khi hộ gia đình, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu.

Nếu nhận được yêu cầu trước 15h thì phải cung cấp ngay trong ngày; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15h thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.

Ngoài ra, nếu người mua không tự kiểm tra hoặc không kiểm tra tại văn phòng đăng ký đất đai thì phải thực hiện đúng thủ tục đăng ký biến động (thủ tục sang tên), khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động để đăng ký vào sổ địa chính cơ quan đăng ký đất đai sẽ quét mã vạch, qua đó phát hiện được Giấy chứng nhận thật hay giả.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/kiem-tra-so-do-that-hay-gia-o-dau-a489384.htm

Theo Hoàng Mai (Người đưa tin)