Nhiều ý kiến cho rằng nhà mạng đã cố tình làm “khó dễ” không cho thuê bao được chuyển sang dùng mạng di động khác.
Theo hướng dẫn của Bộ Thông tin – truyền thông về dịch vụ chuyển mạng giữ số thì thời gian chuyển mạng tối đa là hai ngày, nhưng nhiều người dùng đã phải chờ đợi rất lâu.
20 ngày vẫn chưa được chuyển mạng
Đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ số ngay từ những ngày đầu cung cấp dịch vụ, nhưng đến nay (đã 20 ngày) anh Nguyễn Duy Tân (Cà Mau) vẫn chưa được cho chuyển qua mạng mình mong muốn.
Anh Tân cho biết: “Tôi đã phải đăng ký đến 4 lần. Lần đầu, tôi được trung tâm chuyển mạng báo do vi phạm lỗi với nhà mạng đang sử dụng, tôi kiểm tra thì được biết do nợ cước. Thanh toán cước, sau đó lại thêm lỗi về thông tin cá nhân.
Cập nhật thông tin đầy đủ, nhà mạng lại báo: không chuyển được do yêu cầu chuyển mạng của tôi đã quá thời hạn nên bị hủy. Tôi phải đăng ký lại và tiếp tục chờ. Hỏi tổng đài (mạng đang dùng), được trả lời là đã đủ điều kiện chuyển đi và hãy chờ thông báo từ trung tâm chuyển mạng”.
Anh Thy (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng cho biết phải mất đến năm lần đi làm thủ tục mới được chuyển mạng. Hai lần đầu không chuyển được vì thông tin cá nhân của anh (ngày cấp và số CMND không đúng).
Ba lần sau đó, anh đều không nhận được trả lời cụ thể từ phía nhà mạng. Đến khi thuê bao được chuyển mạng (ngày 3-12), nhà mạng mới cho biết lý do anh không được chuyển là do nợ “cước nóng”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một nhà mạng cho biết “cước nóng” là cước phát sinh tạm tính nhưng chưa được thanh toán do đang trong chu kỳ sử dụng (cước và phí thuê bao trả sau được tính theo tháng).
Nhiều khách hàng đăng ký chuyển mạng giữ số bị dính lỗi “cước nóng” đã khiến quá trình chuyển mạng bị chậm hơn so với thông thường.
Nhiều bạn đọc bức xúc cho rằng nhà mạng đã làm “khó dễ” khách hàng trong việc chuyển mạng giữ số.
Anh Minh Hải (TP.HCM) cho biết: “Tôi đã ba lần đến cửa hàng nhà mạng, hai lần gọi đến tổng đài, một lần viết email gửi nhà mạng đề nghị chuyển mạng nhưng đều bị “ghi nhận, trả lời sau”. Họ còn đổ lỗi cho trung tâm chuyển mạng, phần mềm trục trặc, lỗi tại khách hàng… để làm khó dễ người dùng”.
Trách nhiệm của nhà mạng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một nhà mạng thừa nhận quy trình chuyển mạng giữ số chưa được thực hiện trôi chảy có lỗi từ phía các nhà mạng lẫn người dùng. Các nhà mạng chưa “hỗ trợ để người dùng được chuyển đi nhanh nhất theo đúng nguyện vọng của họ”.
Người dùng thiếu chủ động trong việc đảm bảo đáp ứng đầy đủ điều kiện để được chuyển mạng (thông tin thuê bao, cước phí…).
Theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và truyền thông về dịch vụ chuyển mạng giữ số, điều kiện để các thuê bao được sử dụng dịch vụ là thông tin thuê bao chính xác, không có khiếu nại, tranh chấp, không vi phạm hợp đồng…
Khi đăng ký dịch vụ chuyển mạng, thuê bao cần chuẩn bị giấy tờ tùy thân và hợp đồng dịch vụ với nhà mạng. Chẳng hạn vấn đề “cước nóng”. Thuê bao trả sau thanh toán theo tháng, thuê bao sẽ rất dễ nợ cước do đã phát sinh cước tạm tính (chưa đến ngày thanh toán).
Nhiều thuê bao mang theo CMND số mới, nhưng số ghi trong hợp đồng là số cũ. Chỉ cần một thông tin không khớp, thuê bao sẽ không được chuyển mạng.
Một chuyên gia viễn thông cho rằng bên cạnh sự chủ động của người dùng, nhà mạng cần chủ động giúp giải quyết nhanh chóng.
Chẳng hạn khi trung tâm chuyển mạng thông báo người dùng chưa được chuyển do có phạm lỗi, các nhà mạng hoàn toàn có thể chủ động thông báo cho khách hàng (hoặc thông qua trung tâm chuyển mạng) cho biết cụ thể lỗi vi phạm là gì.
Từ đó, nhà mạng chủ động hướng dẫn và hỗ trợ người dùng khắc phục lỗi, đảm bảo điều kiện.
“Hiện nay, các nhà mạng đều có những cách rất hay để hỗ trợ khách hàng chuyển đến như: đăng ký online, hỗ trợ làm thủ tục tận nhà… Nếu những người muốn chuyển đi cũng được các nhà mạng hỗ trợ như vậy thì thật tuyệt vời.
Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Một nhà mạng chăm sóc khách hàng tốt thì sẽ có ngày khách hàng quay lại với họ” – vị chuyên gia nhận xét.
Để chuyển mạng giữ số trôi chảy
* Thuê bao đang hoạt động hai chiều tại thời điểm đăng ký chuyển mạng.
* Không nợ cước, đặc biệt là “cước nóng” (cước thuê bao, cuộc gọi, SMS, dịch vụ dữ liệu, dịch vụ giá trị gia tăng, chuyển vùng quốc tế…).
* Thông tin đăng ký tại nhà mạng chuyển đến trùng khớp với thông tin đang lưu tại nhà mạng cũ.
* Không đăng ký dịch vụ chuyển vùng quốc tế (Roaming) hoặc đã hủy dịch vụ trên 60 ngày.
* Không vi phạm hợp đồng, cam kết với nhà mạng, không tranh chấp, chuyển quyền sở hữu…
* Thuê bao chuyển mạng lần đầu phải có thời gian sử dụng trên sáu tháng tại nhà mạng đầu tiên. Chuyển mạng từ lần hai phải có thời gian sử dụng trên 90 ngày.
Theo Tuoitre.vn