Niềm tin thi cử

Kỳ thi THPT quốc gia 2019, camera sẽ được giăng khắp các phòng bảo quản đề thi, bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ. Song xét đến cùng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT liên quan tới hàng triệu thí sinh nên xã hội rất cần niềm tin. Trong ảnh: một phụ huynh tại TP.HCM hỏi thăm con sau giờ thi toán năm 2018 – Ảnh: THANH HẢO

Hơn 10 người làm trong ngành giáo dục – từ chuyên viên đến phó giám đốc sở – bị khởi tố, trong đó có những người đã bị bắt tạm giam. Nhiều thí sinh được nâng đỡ, đến khi trả lại điểm thi thực, từ đậu cao chót vót thành rớt thảm hại.

Nhưng cũng còn đó không ít trường hợp gian lận vẫn “nằm trong bóng tối” khi ở cả Hòa Bình và Sơn La, các cơ quan chức năng đến giờ (sau 3-4 tháng vào cuộc) vẫn chưa thể truy được bài thi thật bởi những dấu vết quan trọng đã bị nhanh tay xóa tự bao giờ…

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 với sai phạm chưa từng có đã để lại “sang chấn” khủng khiếp khiến ngành giáo dục suốt mấy tháng trời phải loay hoay tìm giải pháp bịt “lỗ hổng”. Và ở kỳ thi 2019 sắp tới, các phương tiện hiện đại sẽ được huy động để giám sát chặt chẽ con người.

Camera sẽ được giăng khắp các phòng bảo quản đề thi, bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ. Trường đại học sẽ không được làm nhiệm vụ thi tại địa phương mình; sở GD-ĐT không còn được chủ trì chấm thi trắc nghiệm…

Song xét đến cùng, công nghệ có cao siêu đến mấy thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Trao quyền, trao niềm tin, nhưng cũng cần cơ chế giám sát chặt và sự răn đe kịp thời.

Nếu sai phạm ở trường, hiệu trưởng chịu trách nhiệm; sai phạm ở sở, giám đốc sở chịu trách nhiệm và sai phạm đến mức độ nào đó thì chính bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu.

Dù quyết tâm lấy lại niềm tin và sự trong sạch cho kỳ thi THPT quốc gia đang được Bộ GD-ĐT đặt lên hàng đầu, nhưng nhiều người vẫn không hết lo lắng. Chấm thi, coi thi được siết chặt, nhưng còn khâu trọng yếu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ là in sao đề thi ở địa phương lại chưa thấy điều chỉnh.

Đề lọt ra ở diện rộng thì nghiêm trọng, ai cũng thấy, nhưng nếu chỉ lọt kiểu “anh em bảo nhau”, diện hẹp hơn, khó phát hiện hơn thì thế nào? Đừng chỉ chữa cháy khi lửa đã bùng lên, mà phải phòng cháy ngay từ đầu – một chuyên gia tuyển sinh lâu năm chia sẻ.

Nỗi lo ấy không phải là không có lý khi việc phòng cháy hiệu quả sẽ ngăn ngừa được những thảm họa mà nhiều khi việc chỉ chăm chăm chữa cháy, dập lửa khó lòng khắc phục được.

Còn khoảng 7 tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia 2019 lại đến. Những sai sót đã bộc lộ liệu có phải chỉ đẩy đến toàn bất lợi, hay lại mở ra những điều kiện thuận lợi hơn cho kỳ thi sau?

Có con mắt giám sát của xã hội là có cơ hội để thay đổi, hoàn thiện và tạo hình ảnh tốt hơn cho ngành. Điều đáng lo là bị hoài nghi mà không biết vướng từ đâu, bị nghi kỵ mà không rõ tiêu cực ở chỗ nào để ngăn chặn.

Loại trừ gian lận thi cử không thể chỉ dừng ở quyết tâm mà phải thể hiện thành kết quả cuối cùng. Một nhiệm kỳ bộ trưởng nếu dẹp được tiêu cực trong thi cử – một căn bệnh dai dẳng trong nhiều năm qua – cũng có thể coi là một nhiệm kỳ có dấu ấn…

 

Theo Tuoitre.vn