Nông dân, doanh nghiệp và chính quyền phải cùng “vận động” để bứt phá vươn lên, không thể mãi trông chờ vào sự giải cứu nông sản mỗi lần rớt giá.
Thanh long còn mất giá nữa
“Đến hẹn lại lên”, tình trạng nông dân “khóc ròng” vì nông sản được mùa mất giá lại tái diễn, lần này là với thanh long.
Ông Hoàng Trọng Thủy – chuyên gia nông nghiệp cho rằng, việc nông dân của chúng ta có xu hướng sản xuất đại trà, không đạt tiêu chuẩn thế giới nên đầu ra chỉ có thể cung cấp cho các thị trường dễ tính. Đến khi thị trường đó thừa thì nông sản thành thứ “bỏ đi”.
Câu chuyện thanh long rớt giá thảm cũng có trách nhiệm rất lớn từ chính quyền và các tổ chức kinh tế của nông dân. Họ đã buông lỏng, thậm chí là khoán trắng cho nông dân.
Các sản phẩm nông sản, hoa quả tươi chỉ có giá trị trong 36 tiếng đến 48 tiếng. Sau thời gian này, hàng hóa không còn giá trị nữa. Với trách nhiệm của mình, chính quyền phải tổ chức các cơ sở, kho bảo quản để trữ lại nông sản cho nông dân, góp phần điều chỉnh giá và phân phối hàng đến các thị trường bán lẻ. Thế nhưng, đến nay rất ít địa phương làm được điều này.
“Hệ quả của giảm giá có trách nhiệm của cơ quan chức năng với tôn chỉ “chính quyền phải dẫn dắt nhân dân đi từ thắng lợi mùa vụ cho đến thắng lợi hợp đồng”, chuyên gia này cho biết.
Theo Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), hiện nay diện tích trồng thanh long của Trung Quốc là khoảng 35.555 ha và dự kiến còn tăng trong vài năm tới, thậm chí còn xuất khẩu sang Lào và Campuchia. Chuỗi sản xuất của Trung Quốc được đầu tư lớn, nông dân thực hiện có quy trình, có doanh nghiệp thu mua, có chuyển giao khoa học kỹ thuật… Với nền tảng tốt như vậy, thanh long Trung Quốc đang vượt trội hơn hẳn so với thanh long Việt Nam và làm cho thanh long của chúng ta mất giá.
“Nếu trong vài năm tới, thanh long của Việt Nam không có sự đổi mới, người nông dân vẫn làm theo thói quen, còn nhà nước cũng như doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc của sự phát triển thì thanh long còn mất giá nữa, chứ không chỉ như năm nay”, ông Thủy nhận định.
Không thể giải cứu bằng “thị trường tình thương”
Qua nhiều năm, câu chuyện giải cứu nông sản đã trở nên quá quen thuộc, từ dưa hấu, chuối, gừng, ớt, mía… Nhưng chúng ta không thể duy trì mãi chuyện giải cứu nông sản bằng “thị trường tình thương” được nữa.
Lúc này vai trò của nhà nước cần được phát huy. Chúng ta cần có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng hiện đại về mọi mặt, bao gồm công nghiệp chế biến, quy trình, sản xuất sạch, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
“Nhà nước cần phải xây dựng các trung tâm nông sản, các chợ đầu mối. Doanh nghiệp cùng nông dân cần xây dựng các mô hình hợp tác, đi theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ”, ông Thủy nói.
Cũng theo ông Thủy, hướng đi của quả thanh long phải là theo trục nông sản xuất khẩu để tăng chuỗi giá trị. Muốn như vậy thì chính người nông dân cần phải đổi mới để tự cứu mình. Người nông dân phải nâng cao trình độ, trồng theo tiêu chuẩn càng ngày càng chặt chẽ, đảm bảo nông sản sạch, để thị trường đón nhận.
Theo baolaodong.vn