Bệnh viện Từ Dũ có ngân hàng sữa mẹ cứu trẻ sinh non

Ngày 10-4 tới đây, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM chính thức khai trương ngân hàng sữa mẹ. Sự ra đời của “ngân hàng” này được kỳ vọng là “chiếc phao cứu sinh” cho nhóm trẻ không có cơ hội tiếp cận với nguồn sữa mẹ, đặc biệt là trẻ sinh non.

Bệnh viện Từ Dũ có ngân hàng sữa mẹ cứu trẻ sinh non - Ảnh 1.

Với trẻ sinh non, sữa mẹ như là “phao cứu sinh” để duy trì sự sống. Trong ảnh: trẻ sinh non tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM được truyền sữa mẹ – Ảnh: DUYÊN PHAN

Từ ý tưởng ban đầu vào năm 2017, vượt qua muôn vàn khó khăn, đến nay đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã hình thành được ngân hàng sữa mẹ.

Chia sẻ về hành trình nhân văn này, bác sĩ chuyên khoa 2 NGUYỄN THỊ TỪ ANH – trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ – nói: 

– Hoạt động của ngân hàng sữa mẹ không chỉ đơn thuần là việc cho và xin sữa, mà còn có nhiệm vụ hỗ trợ thông tin cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Ngân hàng sữa mẹ ra đời đáp ứng được rất nhiều nhu cầu của xã hội, trong đó cơ bản là giúp các bà mẹ chia sẻ nguồn sữa sẵn có cho trẻ sinh non đang từng ngày phải uống sữa bột.

Bệnh viện Từ Dũ có ngân hàng sữa mẹ cứu trẻ sinh non - Ảnh 2.

Bác sĩ CK2 NGUYỄN THỊ TỪ ANH – Ảnh: DUYÊN PHAN

Chỉ có 30% trẻ sinh non được bú sữa mẹ

* Bác sĩ nói sự ra đời của ngân hàng sữa mẹ đáp ứng rất nhiều nhu cầu của xã hội?

– Đúng vậy. Nhu cầu về sữa mẹ là rất lớn, nhưng thực tế chưa thể đáp ứng đủ. Hiện nay, trung bình một năm tại Bệnh viện Từ Dũ có 6.000-7.000 trẻ sinh non nhẹ cân cần được điều trị. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% trẻ sinh non có bệnh lý được uống nguồn sữa từ chính mẹ đẻ. Nhu cầu lớn là vậy, tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là có hơn 70% bà mẹ đến từ các tỉnh, họ không có điều kiện gửi sữa lại khiến trẻ có nhu cầu phải sử dụng sữa bột.

Ngoài trẻ sinh non, còn có nhiều câu chuyện trẻ sơ sinh “khát” sữa mẹ thường gặp. Đó là câu chuyện của người mẹ mới sinh con qua đời vì bạo bệnh, tai nạn giao thông. Rồi có trường hợp người mẹ bị phỏng rất nặng phải cắt bỏ cả hai vú. Các cháu bé ấy rất cần sữa mẹ và ngân hàng sữa mẹ sẽ giúp các trẻ hồi sinh.

* Đâu là điểm khác biệt của trẻ sử dụng nguồn sữa mẹ và trẻ sử dụng sữa bột, thưa bác sĩ?

– Với trẻ sinh non, sữa mẹ vô cùng quan trọng. Bởi sữa mẹ không đơn thuần là dinh dưỡng mà có ý nghĩa đến sự sống còn của bé. Sinh non, nhẹ cân kéo theo nếu bé sử dụng sữa bột thì khả năng bị viêm ruột hoại tử – bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh non – tăng rất cao. Nếu trẻ mắc bệnh tới mức độ phải can thiệp phẫu thuật thì khả năng sống của trẻ giảm đi rất nhiều, chưa kể sau phẫu thuật trẻ còn chịu nhiều biến chứng như nhiễm trùng, hội chứng ruột ngắn, giảm hấp thu, suy dinh dưỡng…

Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng việc uống sữa mẹ thanh trùng sẽ giúp trẻ giảm 3 lần viêm ruột hoại tử, giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh, giảm thời gian nằm viện 15 ngày và giảm thời gian nuôi dưỡng tĩnh mạch 10 ngày… so với việc sử dụng sữa bột. Ngoài ra, trẻ sinh non nuôi dưỡng bằng sữa mẹ giúp khả năng hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn và giảm tiêu chảy.

Đảm bảo an toàn

* Nhiều người rất quan tâm đến chất lượng của sữa hiến tặng. Và bác sĩ có nói rằng nguồn sữa hiến này sẽ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn…

– Đúng như vậy. Nguồn sữa mẹ hiến tặng được giám sát chặt chẽ thông qua các xét nghiệm sàng lọc, phỏng vấn, kiểm tra hồ sơ bệnh án… Đối với các bà mẹ hiến sữa bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chí về sức khỏe phải tốt, không mắc các bệnh lý có thể lây qua đường sữa mẹ như viêm gan B, C, HIV, giang mai… và tuyệt đối không sử dụng những loại thuốc ảnh hưởng chất lượng sữa mẹ.

* Quy trình thanh trùng sữa mẹ hiến tặng được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?

– Sữa mẹ nếu trẻ bú trực tiếp thì khả năng nhiễm khuẩn rất thấp. Nhưng khi vắt, nếu kỹ thuật không đảm bảo vệ sinh sẽ rất dễ lây nhiễm vi khuẩn từ bên ngoài. Kế đến là quá trình lưu trữ không đảm bảo nhiệt độ, vệ sinh tủ đông không đúng cách, nhiệt độ không ổn định… Bởi phần lớn các nguồn bệnh lây qua đường sữa mẹ là do nhiễm siêu vi.

Khi tham gia hiến tặng sữa, các bà mẹ được trang bị túi bảo quản và nhiệt kế nhằm theo dõi nhiệt độ sữa trong tủ lạnh. Mỗi đơn vị sữa hiến tặng đều được ghi tên, dán mã số và ngày giờ vắt để phân biệt hoặc có thể truy xuất khi có sự cố.

Đặc biệt sữa thanh trùng sẽ được làm nóng tới nhiệt độ 62,50C trong vòng 30 phút, rồi giảm dần còn 40C. Quy trình này nhằm khống chế, loại bỏ các tác nhân vi sinh học như nấm, vi khuẩn, virút, bào tử… nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng và miễn dịch của sữa mẹ.

* Để chuẩn bị cho “ngân hàng sữa mẹ” hoạt động ổn định, bền vững, đơn vị có những sự chuẩn bị như thế nào?

– Hiện tại chúng tôi động viên được 100 đoàn viên, đều là bác sĩ của bệnh viện với vốn kiến thức y khoa sẵn có và được cập nhật thêm kiến thức về lưu trữ, nuôi con bằng sữa mẹ… Ngoài vai trò tiếp cận các bà mẹ thu nhận sữa thô, họ sẽ quan sát việc thực hành lưu trữ sữa, kiểm tra sức khỏe cho các bà mẹ hiến sữa.

Đơn vị cũng thiết lập kênh truyền thông ngay tại các phòng khám thai, khoa hậu sản, sơ sinh… Ngoài ra, đơn vị chủ động lập số điện thoại, trang web, fanpage trên Facebook về ngân hàng sữa mẹ. Các bà mẹ có nhu cầu hiến sữa có thể liên hệ qua các “kênh” này để được tư vấn.

* Đến nay, việc thử nghiệm đạt kết quả như thế nào và bác sĩ kỳ vọng gì trong tương lai?

– Từ lúc thử nghiệm (19-3) đến nay, ngân hàng vận động 6 bà mẹ hiến tặng với trên 30 lít sữa. Mong mỏi của chúng tôi là ngân hàng này sẽ cung cấp được cho trẻ mỗi ngày 14 lít sữa mẹ. Đối với người sử dụng chỉ cần trả một khoản chi phí nhỏ để bù đắp một phần kinh phí duy trì ngân hàng sữa mẹ.

Trong tương lai, chúng tôi mong muốn sẽ liên kết với nhiều bệnh viện sản khoa để có thể huy động nguồn sữa mẹ đáp ứng nhu cầu cho các trẻ sinh non có bệnh lý ở các bệnh viện nhi đồng. Và để ngân hàng này hoạt động tốt, điều quan trọng là phải được sự ủng hộ từ cộng đồng…

Đòi hỏi nguồn sữa tuyệt đối an toàn

* Những khó khăn gặp phải khi thực hiện đề án này là gì?

– Từ trước tới nay, nước ta chưa có văn bản pháp quy nào quy định về việc quản lý sữa mẹ. Trên thực tế, sữa mẹ không được xem như một sản phẩm thông thường bởi tiềm ẩn trong đó các tế bào sinh học. Ngoài ra, sữa mẹ còn là dịch tiết cơ thể người nên phải được quản lý như một mô, điều này hoàn toàn khác so với quản lý máu và tinh trùng.

Khó khăn kế đến là đòi hỏi nguồn sữa phải tuyệt đối đạt tiêu chuẩn an toàn, bởi các trẻ dùng sữa phần lớn là sinh non có bệnh lý kèm theo nên rất yếu ớt. Bên cạnh đó là vấn đề trang thiết bị. Hầu hết các trang thiết bị chuyên dùng như máy thanh trùng sữa, tủ đông, bình sữa… không có sẵn ở nước ta, mà phải nhập từ Anh và một số nước. Do đó, để cho ra đời một ngân hàng sữa mẹ đòi hỏi tốn rất nhiều công sức, tiền bạc.

Ngân hàng sữa mẹ thứ 2 ở Việt Nam

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có khoảng 600 ngân hàng sữa mẹ ở 37 quốc gia. Với sự ra đời của ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ, nước ta chính thức có hai ngân hàng sữa mẹ được Bộ Y tế cấp phép. Ngành y tế kỳ vọng với tiêu chuẩn quốc tế, các ngân hàng hội nhập vào mạng lưới ngân hàng sữa mẹ khu vực Đông Nam Á và toàn cầu.

Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ra đời tại Bệnh viện Phụ sản – nhi Đà Nẵng vào tháng 2-2017. Đây là bệnh viện được Bộ Y tế và dự án Alive&Thrive đánh giá việc áp dụng thực hành nuôi con bằng sữa mẹ rất tốt và được tặng danh hiệu “Trung tâm kiểu mẫu” về chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu sớm.

– Ngoài ngân hàng sữa mẹ, UBND TP.HCM cũng vừa quyết định thành lập ngân hàng tế bào gốc máu cuống rốn tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM.

San sẻ nguồn sữa yêu thương

Chị Phạm Thị Tuyền (24 tuổi, quê Đồng Nai) là 1 trong 6 bà mẹ đầu tiên tình nguyện hiến sữa cho ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ. Cách đây tròn 3 tháng, con chị chào đời với cân nặng chỉ vỏn vẹn 900g.

Giống như bao bà mẹ có con sinh non đang từng ngày “ôm ấp” bằng phương pháp  Kangaroo (da kề da), chị Tuyền bảo chị hiểu được các bé rất cần sữa mẹ, nên chị sẵn sàng “san sẻ” phần sữa của mình đang có. Trải qua nhiều lần hiến dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, đến nay chị đã hiến được gần 14 lít sữa.

Theo Hoàng Lộc – Tuổi trẻ