Lúc 8h sáng nay, vị trí tâm bão ngay trên bờ biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/h), giật cấp 12.
– 12 giờ tới, bão di chuyển hướng tây tây bắc mỗi giờ đi được 5-10 km, với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 10-11 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
– 19h đêm nay (25/11), tâm vùng áp thấp ở ngay trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ, sức gió giảm xuống dưới 40 km/h.
-
Vị trí tâm bão số 9 – Usagi theo bản tin dự báo lúc 11h của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
-
Cây xanh gãy đổ trên đường Hoàng Hoa Thám, TP Vũng Tàu. Ảnh: Minh Hậu.
-
-
TP.HCM có mưa nặng hạt kèm gió mạnh
Lúc 10h30, một số khu vực ở TP.HCM bắt đầu có mưa nặng hạt. Gió thổi mạnh gây khó khăn cho người chạy xe máy. Trời âm u khiến người điều khiển phương tiện phải bật đèn khi di chuyển.
10h30, Cần Giờ có mưa to nhưng không kèm theo gió giật mạnh. Người dân vẫn có thể lưu thông trên đường. Ảnh: Liêu Lãm.
Trong khi đó ở trung tâm TP.HCM, mưa nhỏ gió nhẹ. Du khách vẫn có thể tham quan ở khu vực Nhà thờ Đức Bà.
Ảnh: Thuận Thắng.
-
Gió giật mạnh, nhà sập, thuyền hư hỏng
Phan Thiết, Vũng Tàu đang có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Hoàn lưu bão đã gây mưa rất to cho khu vực Trung Bộ với vũ lượng 200-300 mm.
Lúc 9h30 sáng 25/11, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết hồi 8h cùng ngày, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/h), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km.
Trong khi đó, Bình Thuận đã có những thiệt hại đầu tiên do bão số 9:
+ Tại đảo Phú Quý có một tàu công suất 707 Cv bị hư hỏng và 1 chiếc xuồng 20 Cv bị chìm.
+ Tại huyện Tuy Phong 1 lồng bè có 8.000 con cá bị đứt neo trôi ra biển, ước tính thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng.
+ Tại TP Phan Thiết: Sạt lở 3 km bờ biển tại phường Hàm Tiến khiến 7 tàu cá bị cuốn trôi, 2 nhà dân có nguy cơ sập, 15 thuyền bị hư hỏng do bị sóng đánh va vào nhau. Tại phường Thanh Hải có 8 ngôi nhà bị sập, hư hỏng do sạt lở bờ biển.
-
Tàu cao tốc Sóc Trăng – Côn Đảo ngưng chạy
Ảnh hưởng bão số 9, ba ngày qua tàu cao tốc tuyến Trần Đề (Sóc Trăng) đi Côn Đảo và ngược lại đã ngưng chạy. Sáng 25/11, nhân viên phòng vé tại Bãi Giá nói tàu chưa biết hoạt động lại ngày nào vì thời tiết xấu trên biển. Trong khi đó, nhiều tàu thuyền đánh bắt hải sản đã vào cảng cá Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng để lên hàng và tìm nơi trú bão. Ảnh: Việt Tường.
-
Nhiều tuyến đường ở Vũng Tàu ngập nước
9h sáng, Vũng Tàu có mưa nặng hạt, gió giật mạnh. Nhiều tuyến đường trung tâm thành phố bắt đầu ngập nước. Ảnh: Ngọc An.
-
8h30, tại biển Thừa Đức (huyện Bình Đại, Bến Tre) có mưa lớn, gió mạnh. Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch huyện Bình Đại, cho biết: “Tất cả tàu thuyền đã được tập kết về nơi tránh bão, huyện đã sơ tán toàn bộ hộ dân sống ven biển. Đến nay, chúng tôi đánh giá sơ bộ tình hình trên địa bàn tỉnh Bến Tre là an toàn”.
Biển Thừa Đức sáng nay. Ảnh: Hữu Nhân.
-
Vũng Tàu mưa lớn, gió giật mạnh
8h20, Vũng Tàu mưa lớn, gió giật mạnh. Các tuyến phố thưa thớt người đi lại, mưu sinh. Nhiều cửa hàng đóng cửa, chỉ một vài quán mở đón khách. Chủ tiệm bán đồ ăn sáng trên đường Phạm Hồng Thái nói rằng trời sáng sớm êm dịu, gió chưa dữ dội nên ông mở cửa đón khách. “Tôi sẽ ngưng bán khi trời chuyển xấu”, ông nói.
Ảnh: Ngọc An.
-
Tiền Giang gió bắt đầu mạnh hơn
7h30 sáng 25/11, tại khu vực ven biển Gò Công Đông, Tân Phú Đông (Tiền Giang) trời mưa, gió bắt đầu thổi mạnh hơn. Các bến phà, đò sang huyện Tân Phú Đông ngưng hoạt động từ đêm qua. Huyện Tân Phú Đông đã sơ tán 3.139 người ngoài đê biển đến nơi tránh, trú an toàn. Huyện Gò Công Đông đã kêu gọi 860 tàu thuyền vào bờ hoặc tránh ra vùng nguy hiểm, 1.240 hộ dân ngoài đê và có nhà không an toàn đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thăm hỏi người dân sơ tán tránh bão sáng nay. Ảnh: Minh Anh.
-
Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn hoạt động
TP.HCM sáng nay trời âm u, một số khu vực có mưa nhỏ, gió nhẹ. Các chuyến bay tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn cất hạ cánh bình thường.
Trước đó, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cũng có công điện khẩn cấm phương tiện đường thủy xuất bến từ 13h, và yêu cầu tất cả bến phà ngừng hoạt động từ 19h ngày 24/11 đến khi có lệnh mới.
-
Bão số 9 cách Bình Châu khoảng 30 km
Đến 7h10 sáng 25/11, bão số 9 rất gần Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu), chỉ cách khoảng 30 km.
-
Bà Rịa – Vũng Tàu cưỡng chế hàng chục ngư dân đến nơi tránh bão
7h sáng 25/11, Vũng Tàu có mưa nặng hạt, gió nhẹ. Các tuyến phố ven biển vắng người. Lực lượng chức năng dùng ôtô rảo qua các khu phố để phát thông tin cảnh báo bão đến người dân, du khách.
Trước đó, vào 2h30 sáng cùng ngày, lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã vận động và cưỡng chế hàng chục ngư dân ở các tàu cá đến nơi tránh bão.
Biển và thành phố Vũng Tàu sáng nay. Ảnh: Ngọc An.
-
Bến Tre có gió mạnh, mưa nhỏ
Từ 6h sáng, cán bộ huyện huyện Bình Đại ( Bến Tre) đến hỏi thăm sức khoẻ những người dân được sơ tán tránh bão tại Đồn biên phòng Cửa Đại (xã Thừa Đức), lúc này mọi người bắt đầu bữa ăn sáng. Ngoài trời gió bắt đầu mạnh hơn, có mưa nhỏ hạt. Ảnh: Hữu Nhân.
-
Cần Giờ mưa nhẹ kèm gió
6h30 sáng nay, huyện đảo Cần Giờ (TP.HCM) có mưa nhẹ kèm gió. Một số tiểu thương vẫn tranh thủ bày hàng ra bán. Ảnh: Lê Trai.
-
Nguy cơ lở núi, ngập sâu ở các tỉnh Nam Trung Bộ
Do ảnh hưởng từ bão số 9 gây mưa lớn, các tỉnh ở Nam Trung Bộ như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận,… có mưa to, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng thấp.
Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, trong 2-3 giờ qua, một số nơi tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên có mưa to như: Cát Tiến 53,8 mm; Chí Thạnh 42,8 mm; Hồ Mỹ Thuận 40,4 mm. Nhiều nơi ở Khánh Hoà, Ninh Thuận cũng có mưa rất to như: Cam Thịnh Đông 71,8 mm; Phước Đại 57,4 mm; Ba Ngòi 57,2 mm; Ma Nới 43,4 mm.
Cơ quan khí tượng nhận định những khu vực trên khả năng tiếp tục có mưa to với vũ lượng 40-70 mm trong sáng nay. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng thấp của tỉnh Bình Định, Phú Yên. Trong đó, đặc biệt là huyện Phú Cát, Phù Cát, An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định; Tuy Hòa, Sơn Hòa, Sông Cầu thuộc tỉnh Phú Yên; các vùng trũng thấp khác như huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải của tỉnh Ninh Thuận; huyện Cam Ranh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, TP Nha Trang của tỉnh Khánh Hòa.
Trong ảnh là hiện trường vụ lở núi, lũ quét ở Nha Trang khiến 4 người trong cùng 1 gia đình thiệt mạng hôm 18/11. Ảnh: Nguyễn Minh.
-
Sài Gòn có nguy cơ ngập trên diện rộng
Tại TP.HCM, ngày và đêm 25/11 có mưa rất to (200-250 mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.
Sài Gòn có nguy cơ ngập trên diện rộng
Mực nước trên các sông rạch TP.HCM đạt đỉnh ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn báo động 3, khả năng thủy triều cao kết hợp với mưa to do ảnh hưởng bão số 9 gây ngập trên diện rộng.
-
Cảnh báo lũ
Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức báo động 2-3 và trên báo động 3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 1-2 và trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.
Theo Zing.vn