Hàng ngày, nhiều người dân thủ đô Manila di chuyển bằng xe tự chế được đẩy trên đường ray tàu. Nhanh hơn, rẻ hơn, nhưng điều này đồng nghĩa với nguy hiểm mỗi khi tàu lao qua.
|
Ngay khi đoàn tàu chạy qua, các thanh niên kéo chiếc xe đẩy tự chế lên đường ray và hành khách lần lượt lên ngồi, “tuyên chiến” với cái chết chực chờ để chiến thắng tình trạng giao thông tắc nghẽn nổi tiếng ở Manila. Tại thủ đô của Philippines, di chuyển bằng xe đẩy tự chế là cách phổ biến để thoát cảnh ùn tắc. |
|
Hàng ngày, nhiều người chọn cách này để di chuyển trong thành phố khoảng 13 triệu dân. Họ được những “cậu bé đẩy xe” đưa tới điểm đến bằng chiếc xe tự chế từ kim loại và ván gỗ. |
|
Những “tài xế” đặc biệt phải nắm rõ giờ tàu chạy để có thể đưa xe lên đường ray đúng lúc. “Công việc của chúng tôi rất nguy hiểm. Bạn cần phải biết khi nào thì tàu chạy qua”, Rene Vargas Almeria, 57 tuổi, chia sẻ với AFP. Ông đã làm nghề này được 20 năm. |
|
Hai cậu bé đẩy xe, Tyson Aguha (trái) và Joan Acebo, trò chuyện trong lúc đợi tàu đi qua. |
|
Hai mẹ con đợi đi xe đẩy. Phương tiện này giúp hành khách tiết kiệm thời gian và cả chi phí. Với mỗi lượt đi, họ chỉ phải trả 10 peso (0,19 USD), nhưng đổi lại, phải đối mặt với nguy cơ bị tàu đâm nếu xe đẩy không di chuyển đủ nhanh. |
|
Nếu thuận lợi, các cậu bé đẩy xe có thể kiếm được 10 USD/ngày. Dân số tại Manila tăng 50% trong giai đoạn 1995-2015, nhưng đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ tăng trưởng này. Đó cũng là lúc loại phương tiện tự chế xuất hiện. |
|
Hệ thống đường sắt của Manila phục vụ trung bình 45.000 hành khách mỗi ngày, và khoảng hơn 20 tàu chạy qua những khu vực xe đẩy hoạt động. Almeria kể rằng có lần anh không chú ý, còn hành khách đang nhìn đi hướng khác. “Tôi quay đầu lại, thấy tàu đến và nhanh chóng nhấc chiếc xe khỏi đường ray”, anh nói. |
|
Chính quyền miễn cưỡng để cho những “cậu bé đẩy xe” tiếp tục hoạt động bởi loại phương tiện này đã trở nên quá phổ biến. |
|
Cảnh sát cũng không theo dõi số liệu tai nạn đối với phương tiện tự chế này. Tuy nhiên, họ nói rằng không thể nhớ được lần cuối cùng có người thiệt mạng bởi những vụ việc đó rất hiếm. |
|
Dẫu vậy, hầu hết người làm nghề này đều có những câu chuyện “suýt chết”. Rodolfo Maurello kể rằng lần sợ nhất trong gần 20 năm làm nghề là khi ông không nhận ra tàu tiến đến gần phía sau. Người đàn ông 60 tuổi hồi tưởng lại giây phút ngoái lại nhìn con tàu. Lúc đó, ông vẫn đang đẩy xe chở khách, còn “tàu chỉ cách vài mét”.
Theo Zing.vn
|